GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CÔNG TY

Tin tức - Blog

Ngành thép kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2022

Ngành thép kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2022

08/03/2022

Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19, tuy nhiên, ngành thép vẫn có bước tăng trưởng tốt, hơn 16% so với năm trước.

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, năm 2022 sẽ là một năm triển vọng khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu xây dựng hồi phục mạnh trở lại sẽ khiến mức tiêu thụ thép tiếp tục tăng mạnh hơn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), triển vọng thị trường quý I/2022 đang chậm lại do nhu cầu trong nước thấp. Xét thị trường tiêu thụ thép tại Việt Nam thì nhu cầu có tín hiệu tích cực cho các công trình dân dụng và hạ tầng cơ sở, đặc biệt đầu tư công lớn.

Ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thép Hòa Phát cho hay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kéo dài suốt 2 năm vừa qua, GDP Việt Nam đã giảm còn từ 1-2% nhưng ngành thép Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng tích cực. Thị trường trong nước bị chững lại nhưng các doanh nghiệp thép đã đẩy mạnh xuất khẩu và trở thành quốc gia xuất ròng thép, sản lượng sản xuất lớn nhất Đông Nam Á, có sự đóng góp rất lớn của Hiệp hội Thép Việt Nam và Hòa Phát cũng góp phần vào sự tăng trưởng này.

Theo ông Nguyễn Thanh Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Công ty CP Tôn Đông Á, ngành thép Việt Nam hướng tới phát triển thép xanh trong tương lai, đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu khi thị trường này sẽ áp thuế khí thải cho các sản phẩm xuất khẩu. Việt Nam cần chuẩn bị để giữ vững và tăng thị phần xuất khẩu. Tôn Đông Á cũng sẽ nghiên cứu tìm hiểu để khi áp thuế liên quan đến môi trường vẫn có cơ hội xuất khẩu vào thị trường này. Công ty CP Tôn Đông Á sẽ chú trọng đầu tư cho sản xuất sạch.

Triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ tốt hơn khi Chính phủ ban hành chỉ đạo ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng linh hoạt với đại dịch COVID-19 xuyên suốt. Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngày 09/01/2022 với các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2022 cùng các giải pháp duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022, gồm khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng sẽ là trợ lực cho ngành thép phát triển mạnh hơn trong năm 2022.

Theo báo cáo của VSA, sản xuất thép thô cả năm ước đạt 23 triệu tấn, tăng 16% so với năm 2020. Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 33 triệu tấn, tăng 19% và tiêu thụ thép thành phẩm các loại đạt 29 triệu tấn, tăng 16% so với năm trước.

Xuất khẩu sản phẩm thép năm 2021 cũng có được những kết quả tích cực, đạt hơn 14 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm với hơn 12,7 tỷ USD, đóng góp lớn nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia khu vực và thế giới.

Riêng với thép xây dựng, dịch COVID-19 kéo dài nên nhiều công trình, và công trình dân dụng bị tạm thời hoãn lại đặc biệt tại khu vực phía Nam dù được tái khởi động trở lại, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Trong tháng 12, tình hình sản xuất thép xây dựng vẫn đạt kết quả tốt so với tháng trước và cùng kỳ 2020, tuy nhiên sản lượng tiêu thụ trong tháng giảm. Cụ thể, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 12/2021 đạt hơn 1 triệu tấn, giảm 2,5% so với cùng kỳ 2020. Tiêu thụ đạt hơn 1 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung cả năm 2021, thép xây dựng tiêu thụ giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nếu tính riêng lượng tiêu thụ trong nước năm 2021 thì giảm 11% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, điều này do nhu cầu tiêu thụ thép trong nước giảm khi nhiều tỉnh thành phố trong cả nước khi các công trình giãn tiến độ do tốc độ giải ngân nguồn vốn chậm, diễn biến dịch phức tạp. Tuy vậy, năm 2021 là năm thuận lợi của ngành thép Việt Nam và toàn cầu. Trong bối cảnh các Hiệp định thương mại, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây ra nhiều khó khăn cho thị trường cung ứng toàn cầu, đây là cơ hội cho Việt Nam trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; trong đó có ngành thép Việt Nam.

Trong khi tiêu thụ trong nước giảm thì xuất khẩu thép xây dựng năm 2021 lại tăng mạnh, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Các yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu như chính sách môi trường, điều chỉnh hoàn thuế xuất khẩu của Chính phủ Trung Quốc và biến động giá quặng, than Coke và phế vừa qua đã ảnh hưởng đến thị trường thép Đông Nam Á; trong đó có Việt Nam.

Với mặt hàng thép cán nguội, sản lượng sản xuất – tiêu thụ thép cuộn cán nguội vẫn đạt kết quả tích cực, cụ thể: Sản xuất cuộn cán nguội đạt hơn  5,17 triệu tấn, tăng 16,5% so với cùng kỳ 2020; tiêu thụ cuộn cán nguội đạt gần 2,3 triệu tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ 2020; trong đó xuất khẩu đạt 642.899 tấn, tăng 42,1% so với cùng kỳ 2020.

Sản xuất tôn mạ kim loại và sơn phủ màu của các thành viên VSA đạt hơn 5,95 triệu tấn, tăng 34,3% so với cùng kỳ 2020; tiêu thụ đạt hơn 5,3 triệu tấn, tăng

36,4% so với mức cùng kỳ 2020; trong đó xuất khẩu đạt 3.370.482 tấn, tăng 2,08 lần so với cùng kỳ năm trước.

VSA nhận định, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu là một trong những ngành hàng duy trì được lượng xuất khẩu khá tốt, dẫn đến tổng lượng tiêu thụ tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2020.

(Nguồn: http://vsa.com.vn/nganh-thep-ky-vong-tang-truong-manh-trong-nam-2022/)

Bình luận (0)

Viết bình luận :

Gọi ngay cho chúng tôi
Chat với chúng tôi qua Zalo
Truy cập fanpage
Gửi tin nhắn cho chúng tôi